Văn hóa Việt Nam, cứ mỗi địa phương là có 1 đình làng, là nơi để thờ tổ tiên, thần linh, người có công khai phá, đình Bình Hòa cũng vậy.
Lịch sử Di tích Đình Bình Hòa Bến Tre
Đình được xây dựng vào năm 1831 bằng những nguyên vật liệu đơn sơ như cây, lá… Năm 1903, ban khánh tiết của đình đã đứng ra tổ chức, vận động nhân dân đóng góp công sức, tiền của để xây dựng lại đình với quy mô lớn hơn và sau 10 năm (1903 – 1913) thì hoàn thành công trình.
Di tích nghệ thuật Đình Bình Hòa nằm trên khu đất giồng ở ấp Bình Minh, làng Bình Hoà, nay thuộc thị trấn Giồng Trôm, nằm cạnh đường 885, cách thị xã Bến Tre 16km, có thể đến bằng đường bộ hoặc đường thủy.
Đình được xây dựng bằng chất liệu chính là gỗ tứ thiết, kết cấu gắn bằng mộng, chốt. Năm 2012, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bến Tre đã phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Giồng Trôm tổ chức trùng tu, tôn tạo di tích kiến trúc nghệ thuật đình Bình Hòa và sau 01 năm thi công, công trình đã hoàn tất với tổng diện tích 9.000m2, bao gồm các hạng mục chính là: nhà võ ca, thiêu hương, chính điện, tiền sảnh, hành lang, hậu đường, miếu Quan Thánh.
Điểm nổi bật trong kiến trúc của đình chính là nghệ thuật chạm khắc gỗ độc đáo, tinh xảo, kết hợp chặt chẽ giữa yếu tố nghệ thuật cung đình với nghệ thuật tôn giáo và được dân gian hóa ở mức độ nhất định thể hiện ở những đề tài lân, long, quy, phụng, chim muông, hoa lá… trên những vì, kèo, xuyên, trính, hoành phi… Toàn bộ những tác phẩm điêu khắc, chạm trổ mỹ thuật ở đình Bình Hòa là di sản văn hóa quý báu, phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, đồng thời cũng là sản phẩm du lịch đặc sắc thu hút du khách đến tham quan, chiêm ngưỡng.
Đình Bình Hòa được bộ văn hóa thông tin công nhận là di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia ngày 07/01/1993.
Thu Cúc