Điểm tham quan Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh

Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh ra đời là một nhu cầu thiết yếu đối với một thành phố lớn, một trong những trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị… của cả nước. Đây là nơi có các hoạt động triển lãm mỹ thuật và trưng bày các tác phẩm hội hoạ và điêu khắc qua các thởi kỳ Việt Nam

Mặt tiền cửa chính vào bảo tàng Nghệ Thuật TPHCM
Mặt tiền cửa chính vào bảo tàng Nghệ Thuật TPHCM

 

Lịch sử hình thành

Đây là một tòa nhà tráng lệ kết hợp hài hòa lối kiến trúc Á Đông (Trung Quốc) và châu Âu (Pháp), do ông Rivera (một kiến trúc sư người Pháp) thiết kế vào năm 1929, và xây xong vào năm 1934. Chủ tòa nhà này là ông Hui Bon Hoa (hay còn gọi là Hứa Bổn Hòa, tục gọi chú Hỏa; 1845-1901), là một thương nhân giàu có và nổi tiếng của đất Sài Gòn xưa. Ông cũng đã là chủ của nhiều công trình nổi tiếng khác như Khách sạn Majestic, Bệnh viện Từ Dũ, Trung tâm cấp cứu Sài Gòn, chùa Phụng Sơn v.v…[1]

Năm 1987, tòa nhà được lập thành Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng vì thiếu hiện vật nên đến năm 1992 mới đi vào hoạt động. Đến nay, nó đã trở thành một trung tâm mỹ thuật lớn của Việt Nam, lưu trữ rất nhiều tác phẩm hội họa, điêu khắc và cổ vật mỹ thuật trong lịch sử đất nước và nhân loại, gồm cả những tác phẩm có giá trị cao như bức tranh sơn mài Vườn xuân Bắc Trung Nam của danh họa Nguyễn Gia Trí.

Vị trí tọa lạc

Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ chí Minh tọa lạc số 97A Phó Đức Chính, phường Nguyễn Thái Bình, quận I, TP. Hồ Chí Minh. Toà nhà được xây dựng theo phong cách kiến trúc Pháp cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX kết hợp một cách hài hòa của kiến trúc phương Đông trong trang trí bên ngoài, mái ngói, cột ốp gốm và các trang trí bằng gốm trên mái nhà.

Sau một thời gian chuẩn bị về cơ sở vật chất và hiện vật, cuối tháng 5 năm 1989 Bảo tàng đã chính thức mở cửa phục vụ khách tham quan

Đến nay Bảo tàng đã có hơn 21.000 hiện vật được phân chia thành những bộ sưu tập quý giá với 02 mảng chính

  • Mỹ thuật cổ, đồ thủ công mỹ nghệ truyền thống
  • Mỹ thuật đương đại

Với những sưu tập quí như Ký họa kháng chiến, tác phẩm các họa sĩ trường Đông Dương, Gia Định, hay của các tác giả Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Sáng, Diệp Minh Châu, Kim Bạch, Đinh Rú, Quách Phong… phản ánh những nét đặc trưng cơ bản của mỹ thuật khu vực TP. Hồ Chí Minh và khu vực Nam bộ.

 

Công tác trưng bày là một trong những khâu được chú trọng nhằm giới thiệu một cách hệ thống sự phát triển của mỹ thuật khu vực TP. Hồ Chí Minh và các vùng lân cận, thu hút khách tham quan ngày càng đông (hơn 200.000lượt người/năm).

Hàng năm Bảo tàng thường xuyên tổ chức triển lãm của các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Mỗi năm trung bình từ 10 -25 đợt trưng bày; trong đó có nhiều triển lãm quốc tế: kỷ niệm 50 ngày thành lập Liên Hiệp quốc, tác phẩm của các nước khối ASEAN, tranh của các họa sỹ Nga, Trung Quốc, Mỹ, Italia, Canada, Nhật Bản, Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc, Indonesia … Bảo tàng cũng luôn ủng hộ những chủ trương về việc tuyên truyền về mỹ thuật Việt Nam đối với thế giới, gởi hiện vật trưng bày tại Trung Quốc, Áo –Bỉ, Nhật Bản, Mỹ, Singapore …

Tháng 5 năm 2012 Bảo tàng đã được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố.

Tháng 7 năm 2012 Bảo tàng đã hoàn tất việc chỉnh lý toàn bộ hệ thống trưng bày của Bảo tàng tại 2 tòa nhả, quy hoạch khu vườn tượng, trang trí cây cảnh, các tòa nhà cũng được sơn sửa, trùng tu tạo nét đẹp tổng thể của một bảo tàng chuyên ngành mỹ thuật.

Thông tin tham quan

Bảo tàng mở cửa từ 9h00 đến 17h00 hàng ngày, nghỉ ngày thứ hai hàng tuần.

Vé vào cửa
* Học sinh, sinh viên, quân nhân, các đối tượng chính sách tham quan tập thể, có chế độ miễn hoặc giảm.

Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh
97A – Phó Đức Chính – phường Nguyễn Thái Bình – Quận 1 – TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (08) 38.294.441 – (08) 38.216.331
Fax: (08) 38.213.508
Web: www.baotangmythuattphcm.vn
Email: btmthcm@hotmail.com

Hướng dẫn khác
* Có hướng dẫn, thuyết minh.
* Không được quay phim, chụp ảnh trong các phòng trưng bày.

Nội quy tham quan
* Mua vé tại phòng bán vé và xuất trình tại bàn trực.
* Không được sờ vào hiện vật và tác phẩm trưng bày, mọi hư hỏng do khách gây ra phải chịu trách nhiệm bồi thường đúng giá trị hiện vật.
* Không mang vũ khí, các chất dễ cháy nổ vào Bảo tàng, hành lý mang theo phải gửi vào tủ hành lý theo đúng quy định.
* Không được chụp ảnh, quay phim các hiện vật trưng bày khi chưa được phép của Bảo tàng.
* Giữ vệ sinh chung, không mang thức ăn, nước uống vào các phòng trưng bày.

Song Ngư