Di tích lịch sử ngôi nhà của công tử Bạc Liêu

Ngôi biệt thự của Công tử Bạc Liêu là một địa điểm lịch sử không nên bỏ qua khi đến Bạc Liêu. Sau nhiều năm trùng tu, cụm dinh thự công tử Bạc Liêu, người ăn chơi nổi tiếng khắp Nam Kỳ đã mở cửa đón hàng chục nghìn khách du lịch đến tham quan.

Nói đến Bạc Liêu nhiều người thường hay nghĩ tới vị công tử nổi tiếng ăn chơi một thời. Mà ngày nay “Công tử Bạc Liêu” đã trở thành thành ngữ để chỉ những kẻ ăn chơi. Nhiều người khi nghĩ đến vị công tử này thường hay rất tò mò, thích thú, có người thì bán tính bán nghi, không biết là những giai thoại về vị công tử này có thật hay không?

Lược sử ông Trần Trinh Huy (Công tử Bạc Liêu)

Hình công tử Bạc Liêu - Trần Trinh Huy
Hình công tử Bạc Liêu – Trần Trinh Huy

Trần Trinh Huy là con trai ông Trần Trinh Trạch, tức Hội đồng Trạch người có đất ruộng nhiều nhất trong tỉnh Bạc Liêu. Ông Trạch là người Triều Châu lai và rất chí thú làm ăn, nhờ vậy Hội đồng Trạch càng ngày càng giàu có. Đồn điền ruộng lúa có thể xếp vào hàng bậc nhất miền nam lúc bấy giờ.

Ông trạch có bảy người con: bốn gái, ba trai. Trong ba người con trai của ông Trạch: Trần Trinh Đinh, Trần Trinh Huy và Trần Trinh Khương thì Ba Huy là ăn chơi hơn cả. Trần Trinh Huy tên thật là Trần Trinh Quy sinh ngày 22/06/1900 nhưng do cho rằng cái tên Quy không sang trọng nên ông đổi thành tên Huy.

Trần Trinh Trạch là người rất giàu có nhờ tính chí thú làm ăn, ông chủ sở hữu của 74 sở điền với 1.110 hecta đất trồng lúa, gần 100.000 hecta ruộng muối. Theo lời cháu chắc ông kể lại, toàn tỉnh Bạc Liêu lúc bấy giờ gồm 4 quận: Vĩnh Lợi, Cà Mau, Vĩnh Châu, Giá Rai. Có 13 lô ruộng muối thì 11 lô là của ông Hội đồng Trạch, 1 lô còn lại của cha sở và 1 lô của dân thường.

Trần Trinh Huy là người cao lớn khoảng 1m7, lực lưỡng, dáng người rất thanh thoát, sang trọng, da đen, mày rậm, tính tình Huy rất dễ dãi và hào phóng. Ngoài tên công tử Bạc Liêu, Trần Trinh Huy còn mang nhiều tên khác như: Ba Huy, Hội đồng Ba – cách gọi của tá điền, sự thật thì Ba Huy không là thành viên trong Hội đồng nào, Hắc công tử – do nước da ngâm đen để phân biệt với Bạch Công tử.

Không có vị công tử nào đủ sức xài tiền như Trần Trinh Huy. Thành ngữ ” công tử Bạc Liêu” có từ lúc ấy để ám chỉ những công tử tiêu xài phung phí, về sau thành ngữ này chỉ dùng để chỉ công tử Trần Trinh Huy, vì chẳng công tử nào sánh kịp về khả năng tài chính và độ phóng túng đối với vị công tử này.

Người trong nhà lầm lỗi Huy cũng ít rầy la, bà con ở xa lên thăm, Huy đều cho tiền, tá điền không thấy Huy đòi nợ ai bao giờ, ai nghèo quá năm nỉ Huy còn bớt lúa ruộng. Ba Huy cũng là người rất cởi mở, không cổ hũ, cực đoan như nhiều điền chủ khác.
Ông từng ủng hộ Việt Minh một lúc 13.000 dạ lúa, công tử Bạc Liêu còn tỏa ra là một người tự trọng, đã hứa với chính phủ những gì thì ông sẽ làm thế ấy. Ông đã hứa với người lãnh đạo cao nhất của tỉnh ủy Bạc Liêu là giảm tô, không hợp tác với Pháp, gửi vải vóc thuốc men cho kháng chiến và thực hiện đúng như vậy.

Là người rất thích hội hè và có tư tưởng sống hiện đại, Ba Huy có lẽ là người tổ chức Hội chợ và Hội thi Hoa Hậu miệt đồng đầu tiên ở Đồng Bằng sông Cửu Long. Ba Huy có bốn người vợ và rất nhiều nhân tình. Người vợ đầu tiên là người Pháp, trong thời gian Ba Huy đi học ở Paris. Về nước ông cưới một người vợ ở Bạc Liêu là Ngô Thị Đen, Bà này ở với Ba Huy sinh được người con gái là cô Hai Lưỡng, sau này cô Hai Lưỡng qua Pháp sống.

Từ năm 1945 , Ba Huy lên Sài Gòn ở hẳn, ông lấy thêm một bà nữa, bà Nguyễn Thị Hai và sinh được ba người con: Thảo, Nhơn và Đức.

Khoảng năm 1968, Ba Huy dọn về căn nhà phố đường Nguyễn Du Sài Gòn. Mỗi sáng đứng trên lầu nhìn xuống, ông thấy một cô gái gánh nước đi qua đẹp quá. Hỏi thăm thì được biết cô gái đó là con của một ông già làm nghề sửa xe đạp. Ba Huy đến nhà ông già xin đổi căn nhà đó lấy cô gái. Ông già và cô gái sau khi bàn bạc đồng ý, và đó là người vợ cuối cùng của Ba Huy, kém hơn ông đến 50 tuổi. Bà sống chung thủy với ông đến ngày ông qua đời. Họ có 3 người con trai và một người con gái tên: Hoàn, Toàn, Trinh và Nữ.

Sau sự kiện 30/4/ 1975 Ba Huy mất đã hai năm, gia đình còn lại của Ba Huy lâm vào cảnh khốn khó, anh em, con cháu trong gia đình bỏ đi tứ xứ. Một người con của công tử Bạc Liêu là ông trần Trinh Đức phải trôi dạt lên Sài Gòn và sau khi cô con gái lớn của ông bị lừa tình và mắc nợ, bị bệnh tâm thần phân liệt phải bán nhà trả nợ. Gia đình ông làm đủ thứ nghề để mưu sinh, năm 2009 gia đình ông Đức được giúp đỡ đã trở về Bạc Liêu sinh sống.

Những câu chuyện về công tử Bạc Liêu tỏ ra mình giàu

Giai thoại lấy tiền đung sôi trứng tỏ ra mình giàu: Có khá nhiều giai thoại nhưng ít ai biết rõ về chuyện thật hư của nó. Có nhiều giai thoại như công tử đốt tiền nấu trứng hoặc đốt tiền nấu chè nhưng đó là không phải, có lẽ người ta đã đồn đại nên, từ đó người ta đã suy ra nhiều chuyện thêm, giai thoại thì có cái thật cái không, xài tiên phung phí nhưng thật sự thì không phung phí đến nỗi là lấy tiền của mình đem đốt để nấu chè hoặc nấu trứng giống như dân gian thường hay nói.

Lái xe hơi, ca nô đi coi điền sản: Ngoài chuyện đốt tiền nấu trứng là không có thật, nhưng những câu chuyện sau của ông là thật như việc ông Trạch giao cho Ba Huy việc trông coi điền sản, Huy đi vào các sở điền bằng xe hơi hoặc ca nô, việc này là một sự kiện đặc biệt. Ba Huy đi đến đâu tá điền ùng ùng kéo đến xem vì cả đời họ chưa từng được nhìn thấy xe hơi, ca nô bao giờ.

Lái xe Ford xịn đi đòi nợ các tỉnh, Ba Huy dùng chiếc Ford Vedette , đây là loại sedan 6 cửa sổ ra đời vào năm 1948. Còn đi chơi ông có chiếc Peugeot thể thao sản xuất năm 1922, loại xe này cả miền Nam khi ấy chỉ có 2 chiếc, một chiếc của ông Huy còn chiếc kia là của vua Bảo Đại.

Ba Huy học võ: Việc tiếp theo cũng gây choáng cho người dân lúc bấy giờ là Ba Huy thuê một người Pháp làm công cho mình,đó là ông Henry làm quản lý điều hành gia sản cho ông Hội đồng Trạch dưới quyền Ba Huy. Vào nửa đầu thế kỷ 20 học võ là một cái mốt nhận thức, học võ để nâng cao khí phách thượng võ của kẻ anh hào, Ba Huy không học võ tây hay võ ta mà học võ xiêm. Ông đã cất công qua Xiêm mướn một thầy thượng hạng về dạy cho mình, nước Xiêm hồi đó chính là nước Thái Lan ngày nay. Võ Xiêm là võ tự do Thái, người dùng võ có thể dùng nắm đấm, khủy tay, đầu gối để đánh.

Đốt tờ giấy ~ 50 đ tìm đồng xu cho bạn: Trong một lần đi xem rạp hát cùng với Đào kép và bạn bè. Chẳng may người bạn bị mất đồng xu trị giá khoảng 5 đồng, Ba Huy đã đốt giấy bạc với số tiền nhiều hơn rất nhiều, để bạn mình mò đồng xu và để lấy lòng người đẹp tỏ ra mình giàu.

Đi thăm ruộng bằng máy bay: Một sự kiện chấn động cả nước khi đó là Ba Huy đi thăm ruộng bằng máy bay và lúc ấy cả Việt Nam chỉ có hai chiếc là của công tử Bạc Liêu và của Vua Bảo Đại, ông là người việt nam đầu tiên sở hữu máy bay tư nhân và sân bay tư nhân.

Khu tham quan Công tử Bạc Liêu và khách sạn

HIện nay điểm tham quan chia 3 phần

  • Khách sạn công tử Bạc Liêu: Du khách có thể thuê phòng ngủ đêm
  • Tham quan nhà công tử Bạc Liêu (Mua vé)
  • Nhà hàng công tử Bạc Liêu

Ngày nay trở thành một thương hiệu du lịch hấp dẫn của tỉnh Bạc Liêu. Tòa biệt thự của Ba Huy khi xưa nay trở thành khách sạn Công tử Bạc Liêu và hiện tọa lạc tại số 31 Điện Biên Phủ, phường 3, thị xã Bạc Liêu. Ngôi nhà được xây dựng vào năm 1919, do kỹ sư người Pháp thiết kế theo lối kiến trúc phương tây. Toàn bộ vật liệu được chuyên chở từ Pháp sang.

Ngôi nhà của công tử Bạc Liêu gồm: Tầng trệt có 2 phòng ngủ, 2 đại sảnh và lối cầu thang lên lầu; Tầng lầu gồm 3 phòng ngủ, 2 đại sảnh, phòng ở hướng Đông bắc là phòng của ông Trần Trinh Trạch, phòng đối diện là phòng của công tử Bạc Liêu. Đây là một căn nhà được coi là bề thế nhất Bạc Liêu lúc bấy giờ.

Để đảm bảo độ bền và diện mạo kiến trúc, chủ nhân đã đặt hàng và cho chuyên chở toàn bộ vật liệu xây dựng như: thép đúc, cửa, cẩm thạch lát nền, gạch, khung sắt trang trí, từ pháp qua. Các bù lon, con ốc vít cho các chi tiết xây dựng đều được đóng dấu chìm, mẫu tự P rất hoa mỹ, chứng thực sản xuất tại thủ đô Pari. Người dân Bạc Liêu gọi đây là nhà lớn, các họa tiết trên trần nhà được các học sỹ người Pháp vẽ rất tỉ mỉ và khéo léo, những bộ bàn ghế được điêu khắc sang trọng, đường nét rất tinh xảo gợi lên nét quyền quý cao sang của chủ nhà lúc bấy giờ.

Không chỉ đẹp về kiến trúc, nội thất mà nhà Hội đồng Trạch cũng quy tụ vô số đồ gỗ, xứ, đồng…quý giá. Những bảo vật đó đến nay không còn, do con cháu không giữ được, do mất mát vì chiến tranh hoặc những nguyên nhân khác. Có hai món đồ quý hiện được giữ nguyên vẹn ở chùa chén kiểu Sóc Trăng là chiếc giường ngủ chạm khắc tuyệt mỹ và bộ bàn ghế cũng được chạm trổ công phu, đây là hai món quà do Ba Huy hào phóng tặng nhà chùa.

Từ đó đến nay gần một thế kỷ qua, căn nhà gần như vẫn giữ được nét cơ bản của nó. Năm 2003 công ty du lịch Bạc Liêu đã đầu tư tu sửa căn nhà nhằm đưa vào kinh doanh văn hóa du lịch. Hiện nay căn nhà này được dùng làm khách sạn, trong hệ thống nhà hàng khách sạn Công tử Bạc Liêu. Từ ngày đưa vào hoạt động khách sạn này luôn đạt công suất 80% riêng căn phòng của công tử Bạc Liêu phòng 101 muốn thuê phải đặt trước từ 7 – 10 ngày vì phòng này lúc nào cũng có khách, phần đông là Việt Kiều.

Hiện nay trong phòng ngủ của công tử Bạc Liêu có 3 vật dụng của công tử dùng ngày xưa đến giờ vẫn còn giữ nguyên vện đó là chiếc điện thoại, tủ quần áo và giường ngủ của ông, trải qua nhiều năm tháng nhưng những vật dụng này vẫn giữ nguyên nét cổ kính và giá trị của nó.

HDV