Đàng Trong, Đàng Ngoài là gì?

Nhiều người Việt trong chúng ta có lối nghĩ cứng nhắc lắm đa, cứ nhứt quyết mỗi chữ chỉ có mỗi một nghĩa không bằng, rồi “tranh thắng” cho bằng được, lãng phí thời gian hết sức. Xin nhớ, trong TIẾNG VIỆT, một chữ mà có nhiều nghĩa là chuyện rất ư tự nhiên, người ơi! Vấn đề là ngữ cảnh ra sao mà chọn nghĩa thích hợp.

Minh họa bên trái đằng ngoài, bên phải đằng trong

Đàng Trong, Đàng Ngoài theo lịch sử Việt Nam là gì?

Lúc xuất hiện danh xưng Đàng Trong, Đàng Ngoài vào thế kỷ 17, lúc đó không có chữ Quốc ngữ mà viết bằng chữ Hán, chữ Nôm.

1) “ĐÀNG” là đường sá, là con đường. Tỉ như “lên đàng” là lên đường. Đúng không? Đúng. Mang nghĩa “con đường”, ĐÀNG được viết như ri: 塘 .

NHƯNG, Đàng Trong / Đàng Ngoài – nếu hiểu “Đàng” là “đường”- vậy, “đường trong” / “đường ngoài” nghĩa là … cái giống gì? Hoặc là “bên trong con đường” / “bên ngoài con đường”? Cũng sái não hết sức.

Dữ kiện lịch sử cho biết: hoàn toàn không tồn tại “con đường” nào dùng làm ranh giới phân chia hai miền Nam (Đàng Trong) / Bắc (Đàng Ngoài) ráo trọi!

Tức “Đàng” mà hiểu là “con đường” chỉ đúng… trong trường hợp khác, chớ không thích hợp trong danh xưng “Đàng Trong”, “Đàng Ngoài”!

2) “ĐÀNG” nghĩa là “phía”, dùng để chỉ phương hướng (trong không gian). Có cái nghĩa như vậy không? Có. “Đàng”, theo nghĩa phương hướng, được viết như ri: 唐 (ký tự này khác với ký tự “Đàng” 塘 nghĩa là con đường).
Ta có cách gọi, tỉ như “đàng kia”, “ngồi ở đàng mũi, hoặc đàng lái (của thuyền)”…

NHƯNG, nếu hiểu “Đàng” là phương hướng, phía, bên; vậy, “Đàng Trong” nghĩa là … phía bên trong, “Đàng Ngoài” là… phía bên ngoài. Ủa, bên trong / bên ngoài của cái gì? dựa theo cái gì làm “hệ qui chiếu” để gọi là phía trong, phía ngoài chớ?

“Đàng”, hiểu là phương hướng không gian, đối với “Đàng Trong” / “Đàng Ngoài” trở thành … TỐI NGHĨA!

3) “ĐÀNG”, trong “thiên đàng (thiên đường)”, thì sao? Hẳn nhiên đây không mang nghĩa “con đường” (không phải “con đường trên trời”), cũng không mang nghĩa “bên, phía, phương hướng” (không lẽ dịch “thiên đàng” là …”phía trời”, “phía trên trời”?).

“Đàng” (“đường”), ở đây, viết ký tự như ri: 堂, nghĩa là nơi chốn, nơi ở. “Thiên đàng” / “thiên đường” là nơi ở của Trời.

Dĩ nhiên, “Đàng Trong” / “Đàng Ngoài” không thể giải thích là nơi chốn, nơi ở “trong” / “ngoài”. Vì cũng mắc phải cái lỗi không biết dựa vào đâu mà gọi nơi chốn này là “trong”, còn nơi chốn kia là “ngoài”. Trong và ngoài của cái nơi chốn nào đây (từ … trời rớt xuống, hay từ … dưới đất nẻ chui lên)?

* Cũng tương cận với nghĩa “nơi chốn”, Đàng còn được giải nghĩa là “vùng, lãnh thổ”. Có cái nghĩa như vậy không? Có. Như “Đàng Thổ”.

“Đàng Thổ” (唐土) bao gồm Prei Nokor (Sài Gòn) và Kas Krobei (Bến Nghé), trong giai đoạn 1623-1698. “Đàng Thổ” nghĩa là khu vực được thâu thuế điền thổ.
Số là như vầy: chúa Nguyễn – dựa vào mối quan hệ thông gia thâm tình (con gái chúa Nguyễn là công chúa Ngọc Vạn về làm vợ vua Chân Lạp, trở thành hoàng hậu ở bển) – đề nghị vua Chân Lạp cho phép đặt những trạm thâu thuế tại khu vực này (bấy giờ vẫn còn thuộc chủ quyền của Chân Lạp).

Có ý kiến giải nghĩa: “Đàng” là khu vực (đúng vậy). Còn “Thổ” là người Khmer, “Đàng Thổ” là khu vực/ lãnh thổ của Khmer. Ồ, toàn bộ Thủy Chân Lạp (tức Nam Bộ theo cách gọi hiện nay) lúc bấy giờ đều thuộc chủ quyền của Chân Lạp (Khmer) chớ đâu riêng gì Prei Nokor, Kras Krobei?

“Thổ”, trong trường hợp này, là cách gọi tắt của “thuế điền thổ” đó đa!

4) ĐÀNG là “con đường”? Đúng. Đàng là “bên, phía”? Đúng. Đàng là “nơi chốn”? Đúng. Đàng là “vùng, lãnh thổ”? Đúng.

Nhưng, hết thảy những nghĩa này đều KHÔNG phải là nghĩa thích hợp đối với danh xưng “Đàng Trong” / “Đàng Ngoài” – theo những phân tích nêu trên.

Xin nhắc lại, trong TIẾNG VIỆT, một chữ có thể có nhiều nghĩa, thành thử đừng ôm cứng một cái nghĩa nào đó rồi áp vô hết thảy thì trật lất, sai lắm đa!

Vậy, ĐÀNG còn nghĩa gì nữa?

ĐÀNG (Đường) 塘 , trong Từ điển Hán-Việt, còn một nghĩa nữa mà nhiều người không để ý gì hết trơn hết trọi. “ĐÀNG”, còn mang nghĩa là: “đê, lũy”!

Dữ kiện lịch sử ghi rõ rành: Vào năm 1630, Đào Duy Từ theo lệnh của chúa Nguyễn Phước Nguyên đã cho xây đắp hệ thống đê lũy (gọi chung là “Lũy Thầy”) (nay thuộc Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình).

Lũy Thầy đã tạo thành ranh giới trong việc bảo vệ chúa Nguyễn giữ vững cơ đồ trước các cuộc tấn công của chúa Trịnh từ phía bắc.

TÓM LẠI: “Đàng Trong” 塘 冲 là vùng bên trong của đê lũy (Lũy Thầy), còn “Đàng Ngoài” 塘 外 là vùng bên ngoài của đê lũy (Lũy Thầy).

(Lưu ý: trên từ điển “wikipedia”… trởi ơi đất hỡi, ghi “Đàng” bằng ký tự 唐, ký tự này hoàn toàn KHÔNG mang được nghĩa “đê, lũy” như ký tự 塘 )
Nhờ Lũy Thầy, toàn cõi Đàng Trong không còn bị xâm lấn tổng lực, an tâm mà mở cõi – theo dòng lịch sử – mênh mông tới Cà Mau;
và an tâm phát triển kinh tế thịnh vượng trong khoảng 170 năm (dài lắm đa, hơn một thế kỷ rưỡi lận)!
———————————————————————-

st