Tên gọi các địa danh Sài Gòn hồi xưa

Tóm tắt giải thích nhiều tên gọi các địa danh Sài Gòn, cùng tìm hiểu nhé:

Hình chợ Bến Thành – Địa danh Sài Gòn hồi xưa – tham khảo internet

Sài Gòn (Prey Nokor hay Brai Nagara)

Trương Vĩnh Ký là người đầu tiên cho rằng Prey Nokor (thị trấn trong rừng) là nguồn gốc của địa danh Sài Gòn, nhưng ông không nêu xuất xứ. Năm 1974, Martine Piat đã khẳng định Brai Nagara (thị trấn trong rừng) là dạng gốc của Sài Gòn. Còn Launay cho biết năm 1747 ở vùng Gia Định xưa có hai địa danh Rai-gon thong (Sài Gòn Thượng) và Rai-gon ha (Sài Gòn Hạ). Vậy, tiền thân của Sài Gòn là Rai gon và nguồn gốc của Rai gon là Brai Nagara hay Prey Nokor. Chúng tôi thấy các ý kiến và luận cứ trên đây gần sự thật nhất, vì những lí do sau:

Thứ nhất, địa danh Sài Gòn khá cổ, mà phần lớn các địa danh gốc Khmer đều rất cổ: Cần Giờ, Xoài Rạp,… đã xuất hiện trong Phủ biên tạp lục (1776).

Thứ hai, địa danh Sài Gòn không có ý nghĩa gì trong tiếng Việt, nên khả năng là một địa danh phiên âm tiếng của một dân tộc khác là có cơ sở.

Thứ ba, địa danh Brai Nagara có trong sử liệu Khmer thế kỷ XVII. Nagara đọc chệch thành Nokor là có thể được vì các âm “a” và “ô”, “k” và “g” đã có những tiền lệ chuyển đổi: ná – nỗ, mả – mồ/ mộ, cái – gái, cẩm – gấm,… Sự kiện một thị trấn ở Chợ Lớn trước kia nằm giữa rừng là có thật.

Thứ tư, về mặt ngữ âm, Brai Nokor biến thành Rai gon rồi Sài Gòn là có cơ sở. Trước hết, hiện tượng rụng bớt một âm đứng trước của tổ hợp phụ âm có âm lỏng “l” hoặc “r” là có thật: ở thế kỷ XVII, người Việt nói blọ, blài, blúc, blắc,… ngày nay chúng ta nói lọ (nồi), (núi) lài, lúc lắc,… Người Pháp nói drap, người Việt nói tấm ra (trải giường). Kế đến, âm tiết kor cho ra âm tiết gon hay gòn là có tiền lệ: k – g (cái – gái), -or – -on (tiếng Khmer kor và tiếng Việt gòn cũng có nghĩa là “cây gòn”). Tiếp theo, hiện tượng các địa danh có ba âm tiết bị lược bỏ âm tiết đứng giữa đã có bằng chứng cụ thể: cầu Xóm Kiệu – cầu Kiệu, sông Ông Đốc – sông Đốc (Cà Mau). Mặt khác, Rai biến thành Sài, tức là “r” biến thành “s” đã có nhiều tiền lệ: rắp – sắp, rầu – sầu, rờ – sờ, sài (Hán Việt) đọc là rài. Thanh ngang chuyển thành thanh huyền cũng có bằng cớ: Tra-peng – Trà Vinh, Kanchoeu – Cần Giờ,… Sau cùng, các tổ hợp phụ âm đầu có âm lỏng “r” (như kr, br) có quan hệ nguồn gốc với phụ âm “s”. Chẳng hạn, tiếng Gia-rai, tiếng Chăm – có quan hệ nguồn gốc với tiếng Việt – gọi con sông là krong, còn người Việt gọi là sông. Trong tiếng Rơngao, từ tương ứng với sóc (con sóc) của tiếng Việt là brok (theo lời tiến sĩ Kenneth J. Gregerson). Do đó, “r” có quan hệ với “s” (Brai – Sài) là có thể đúng sự thật.

Thứ năm, các địa danh có từ tố Sài đứng trước thường là địa danh gốc Khmer, như Sài Mạt, Sài Mẹt (một sóc ở Campuchia).
Prey và Brai là hai cách viết của một từ Khmer có nghĩa là “rừng”. Nagara là một từ tiếng Phạn có nghĩa là “thị trấn”; người Khmer mượn và nói thành Nokor.
Tóm lại, căn cứ trên hai mặt cứ liệu lịch sử và quy luật ngôn ngữ, chúng tôi thấy ý kiến cho rằng Brai (hay Prey) Nokor là nguồn gốc của địa danh Sài Gòn là có khả năng đúng nhất.

Đa Kao

Đa Kao là địa giới hành chính thuộc Quận 1, quận trung tâm của Thành phố Hồ Chí Minh. Tên gọi Đa Kao bắt nguồn từ “Đất Hộ” (là đất thuộc một hộ, nay là công viên Lê Văn Tám) mà người Pháp phiên âm và đọc chệch thành Đakao (dùng trong sách báo, văn bản thời Pháp thuộc), được phổ biến từ những năm 50 của thế kỷ XX.

Đa Kao vẫn là cái tên gắn liền với Sài thành hoa lệ, cùng với mảnh đất này “thay da đổi thịt”, hội nhập và phát triển từng ngày…

Gò Vấp

Là một địa danh hành chính quen thuộc, một quận tập trung đông cư dân sinh sống. Có thuyết cho rằng, cái tên Gò Vấp ra đời bởi trước đây nơi này là một gò đất cao có trồng nhiều cây vắp (loại cây thân gỗ lớn, thuôn thẳng, cao từ 15-20m, vỏ màu nâu đen, tán lá rậm).

Vắp vốn là tên một loại cây của người Khmer là “kompắp”. Trên đường Trương Định (Quận 3) hiện nay vẫn còn loại cây này. Do người Nam Bộ hay phát âm lẫn lộn hai vần “-ăp và -âp” nên Gò Vắp chuyển thành Gò Vấp.

Củ Chi

(tên một huyện của TP. HCM) là tên gọi dân gian của cây mã tiền có nhiều ở vùng này vào thời đó. Cây mã tiền, một loại cây ở rừng, leo bằng móc, lá mọc đối có ba gân, hoa trắng quả tròn, hạt dẹt như khuy áo, dùng làm thuốc.

Hàng Xanh

Là nút giao thông lớn ở cửa ngõ phía Đông của TP. HCM, Hàng Xanh là địa danh rất quen thuộc với người Sài Gòn. Vùng Hàng Xanh, bao gồm một phần địa bàn các phường 24, 25 (quận Bình Thạnh), còn có chợ Hàng Xanh, ngã tư Hàng Xanh.

Theo tìm hiểu của tác giả Nguyễn Thanh Lợi (trong Sài Gòn – Đất và Người) qua nhiều tài liệu cũ, địa danh này viết đúng phải là Hàng Sanh. Theo Đại Nam quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của, “Sanh” là thứ cây lớn, nhánh có tua, thuộc loại cây da, lá nhỏ. Ngày trước, dọc theo hai bên đường nay là Bạch Đằng có hai hàng cây sanh, dân thường gọi là Hàng Sanh.

Trong phương ngữ Nam, người ta thường lẫn lộn hai âm đầu “s – x” nên có thể kết luận, Hàng Xanh do biến âm từ Hàng Sanh mà ra.

Cầu Bông

Có nhiều giả thuyết đặt ra, tuy nhiên theo nghiên cứu thì vào đời Tả quân Lê Văn Duyệt (1789–1832) đã cho xây một vườn hoa gần cầu, người dân quen thuộc gọi là cầu Hoa. Có ý kiến cho rằng, đến thời vua Thiệu Trị thì các địa danh có yếu tố Hoa như cầu Hoa, chợ Đông Hoa đổi thành cầu Bông, chợ Đông Ba do kỵ húy mẹ vua Thiệu Trị (trị vì từ 1841 – 1847) là bà Hồ Thị Hoa nên người ta phải đổi sang gọi cầu Bông. Bởi lẽ, với người Nam, từ bông là cách gọi khác để chỉ hoa cỏ.

Cần Giờ

Là địa danh gốc Khmer đọc là “Kanchoeu” có nghĩa là “cái thúng”.

Theo ngữ âm học, “k” và “c” là là hai cách ghi của một âm vị /k/. Vần “-an” trong tiếng Khmer có thể chuyển thành “-ân” trong tiếng Việt đã có nhiều tiền lệ (Kanloh > Cần Lố, Kantuot > Cần Giuộc). Ví dụ này cho thấy, một số âm tiết tiếng Khmer vốn mang thanh ngang nhưng khi sang tiếng Việt lại mang thanh huyền. Sau cùng, “Ch” và “Gi” có quan hệ chuyển đổi thể hiện trong nhiều từ tiếng Việt (chi > gì, chủng > giống…)

Chà Và (cầu Chà Và)

Là cách người Việt phát âm chữ Java – tên một hòn đảo ở Indonesia. Chà Và dùng để chỉ người đến từ đảo Java, về sau dùng để gọi tất cả những người có màu da ngăm như Chà Bom Bay (Bombay, Ấn Ðộ), Chà Ma Ní (Manila, Philippines). Thế mới rõ vì sao khu vực cầu Chà Và từng là phố chợ của người gốc Ấn chuyên bán vải lại được gọi thành Chà Và. Ngoài ra, ở đầu cầu Chà Và về phía Quận 8 có rạp hát Phi Long nổi tiếng, thường xuyên chiếu phim Ấn Độ phục vụ cư dân quanh vùng.

Cầu Kiệu

Cầu nằm bên cạnh xóm chuyên trồng kiệu nên ban đầu gọi là cầu Xóm Kiệu. Sau đó, rút gọn thành cầu Kiệu.

Cầu Kho

Cầu nằm cạnh kho chứa lúa của nhà Nguyễn, được xây năm 1805 nên được gọi như vậy. Cầu và Kho ngày nay đều không còn nhưng người ta vẫn nhớ và đặt tên cho một khu chợ là chợ Cầu Kho.

Cát Lái

Ngày xưa ở vùng này thường có lái buôn tụ về buôn bán nên dân gian gọi là vùng của các lái (ý chỉ thương nhân, thương lái – những người buôn bán trên sông). Trong dân gian vẫn còn lưu truyền những bài vè về các lái buôn ghe bầu từ miền Trung vào Gia Định với hai bài là Vè Lái vô và Vè Lái ra. Vì vậy phải viết là Các Lái mới có nghĩa.

Bến Nghé

Theo Trịnh Hoài Đức, Bến Nghé trước đây là bến nước tụ họp cho trâu con uống nước, do một tên rất cũ là Kompong Krabey (bến trâu) đã được Việt hóa từ tiếng Khmer. Trong “Phương Đình dư địa chí” xuất bản năm 1900, Nguyễn Văn Siêu đã giải thích tên gọi Bến Nghé là do tương truyền dòng sông này luôn văng vẳng tiếng kêu gầm như trâu rống của những đàn cá sấu, nên được gọi là “nghé” kết hợp với “bến” trong “bến nước”. Và dù cách lý giải như thế nào, ta vẫn thấy rõ ràng, nơi này đã từng là một địa bàn tập trung sinh sống của thú rừng, nơi sinh trưởng của cỏ cây trù phú,… đặc trưng của vùng sông nước phương Nam.

Hóc Môn

Là một huyện ở TP. Hồ Chí Minh. Nhà nghiên cứu Lê Trung Hoa giải thích “Hóc” là một từ cổ, chỉ “dòng nước nhỏ mà chẹt” tương đương với từ “Xẽo”, nay đã biến âm thành Hói. “Môn” là cây môn nước. Ở TP.HCM có nhiều địa danh mang yếu tố này như : “rạch Môn” (Thủ Đức); cầu và rạch “Bàu Môn”, xóm “Bưng Môn” (Củ Chi)… Ngoài ra, ở thị trấn Hóc Môn còn con rạch nhỏ mang tên “Hóc Môn”. Rất nhiều khả năng tên rạch Hóc Môn có trước và sau đó chuyển thành tên gọi vùng Hóc Môn. Tóm lại, tên gọi “Hóc Môn” ở đây dùng để chỉ “vùng có con rạch nhỏ với nhiều cây môn nước”.

Tuy nhiên theo Trương Vĩnh Ký, địa danh Hóc Môn có nguồn gốc từ tiếng Khmer viết là “Srôk Kompon Kakòh” nghĩa là xứ bến cây gõ.

Ngã 4 bảy Hiền

Đây là nút giao thông quan trọng thuộc phường 4 (quận Tân Bình), điểm giao của bốn đường lớn gồm Trường Chinh, Cách Mạng Tháng Tám, Lý Thường Kiệt và Hoàng Văn Thụ.

Về tên gọi, theo Lê Minh Quốc trong sách “Người Quảng Nam”, Bảy Hiền là tên của ông già bán cà phê “cóc” sinh thứ Bảy, tên Hiền. Người này cũng cai quản các đồn điền cao su của Nam Phương hoàng hậu, tức Nguyễn Hữu Thị Lan – phu nhân vua Bảo Đại. Khoảng năm 1940 người Sài Gòn gọi “ngã tư ông Bảy Hiền” dần dần từ “ông” mất chỉ còn “ngã tư Bảy Hiền”. Sau này, nguyên khu vực quanh ngã tư được gọi thành khu “Bảy Hiền.

Kênh Tàu Hủ

Học giả Trương Vĩnh Ký và nhà ngôn ngữ học Huỳnh Tịnh Của cho rằng tên gọi Tàu Hủ là do người Triều Châu phát âm thành Tàu Khậu (chỉ những ngôi nhà gạch ven dòng kênh), sau đó trại âm thành Tàu Hủ. Kênh Tàu Hủ chưa bao giờ mang vẻ đẹp thơ mộng làm say đắm người nhìn, nhưng nó vẫn nằm sâu trong tiềm thức của người Sài Gòn với hình ảnh thuyền lớn thuyền nhỏ buôn bán tấp nập và cả một giai đoạn lịch sử đặc biệt.

Ngoài ra, kênh này còn có cách hiểu khác. Tàu Hủ là kênh ở giữa các quận 5 và 8, TP. HCM. Nguyên trước đó là con rạch cạn, có chỗ eo lại, thuyền bè khó đi. Phó Tổng trấn thành Gia Định – Huỳnh Công Lý được giao nhiệm vụ chỉ huy nạo vét khúc rạch từ cầu Thị Thuông hay Bà Thuông đến kinh Ruột Ngựa, dài 5.181m, với 11.460 dân công, hoàn thành ngày 23-1 năm Kỷ Mão (1819) và được đặt là An Thông nhưng người bình dân gọi là kinh Cổ Hũ vì rạch trước đó có chỗ eo lại như cổ cái hũ.

Rạch Lồng Đèn

Ngày trước, tại một ngã ba của rạch này người ta có treo một chiếc lồng đèn để báo hiệu giúp ghe thuyền chạy không đụng nhau trong đêm tối.

Bên cạnh đó, có ý kiến khác cho rằng Lồng Đèn là một loại cây có mọc nhiều ở rạch này nên gọi tên rạch theo tên cây.

Rạch Chiếc

Là con rạch nằm trên địa bàn phường Phước Bình (Quận 9) nối sông Sài Gòn với sông Đồng Nai ở phía đông bằng tắt Đồng Nhiên, bắt đầu từ rạch Trao Trảo đến sông Sài Gòn, cắt ngang xa lộ Hà Nội, dài khoảng 6.000 m. Cầu Rạch Chiếc nổi tiếng với trận đánh giải phóng Sài Gòn hồi tháng 4/1975.

Theo các nhà nghiên cứu địa danh học, viết Rạch Chiếc là không đúng mà phải là Rạch Chiết, do xưa rạch này có nhiều cây chiết là “thứ cây mọc hoang, thấp nhỏ, lá lớn, hay mọc hai bên mé sông, thường ra lá non, mùi chát chát có thể ăn như rau”. Nếu viết là Rạch Chiếc thì không có ý nghĩa.

Suối Tiên

Trong những ngày đầu khai khẩn vùng đất này, ông Đinh Văn Vui phát hiện một mạch nước dưới lòng đất phun trào lên. Cảm thấy lạ nên ông bắt đầu tìm hiểu và biết được đó là dòng suối chảy ngầm, có huyền thoại về bảy cô gái tuổi rồng lần lượt quy tiên tại dòng suối này nên dân trong vùng gọi là Suối Tiên.

Ngày nay, nơi đây trở thành Khu Du lịch Văn hóa Suối Tiên, là một khu liên hợp vui chơi giải trí tại Quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh. Kiểu cách kiến trúc và các thể loại vui chơi được gắn lồng vào các hình ảnh lịch sử và truyền thuyết Việt Nam như Lạc Long Quân – u Cơ, Vua Hùng, Sự tích trăm trứng, Sơn Tinh Thủy Tinh, Sự tích bánh chưng bánh dày, Sự tích quả dưa hấu, chín tầng địa ngục, tứ linh hội tụ Long – Lân – Quy – Phụng, công viên giải trí dưới nước, đặc biệt là biển Tiên Đồng, biển nhân tạo đầu tiên ở Việt Nam.

Thị Nghè

Theo Trịnh Hoài Đức trong “Gia Định thành thông chí” – mục “Trấn Phiên An” – vào năm 1820 thì Thị Nghè là tên gọi dân gian của bà Nguyễn Thị Khánh – người đã có công khai hoang đất và bắc cầu đi lại qua sông cho dân chúng. Bà Nghè là tên gọi thân mật, kính trọng mà người ta vẫn thường gọi mỗi khi nói về bà, bởi bà là vợ của một người thư ký lúc đương thời và là trưởng nữ của quan Khâm sai Chánh thống Vân Trường Hầu Nguyễn Cửu Vân.

Thủ Thiêm:

Trước đây, “thủ” là từ gọi tắt của “thủ ngữ”, chức vụ trưởng một thủ, có nhiệm vụ giữ an ninh và thu thuế. Vì khá phổ biến thời trước nên “thủ” đã đi vào một số địa danh hiện nay như Thủ Đức, Thủ Thiêm, Thủ Ngữ (Sài Gòn), Thủ Thừa (Long An) hay Thủ Dầu Một (Bình Dương). Đức, Thiêm, Ngữ, Thừa được cho là tên những viên chức được cử đến cai quản các thủ này và vì giữ chức vụ khá lâu nên tên của họ đã được người dân gắn liền với địa danh. Nhắc đến tên gọi Thủ Thiêm ở thành phố Hồ Chí Minh, đó không chỉ là một phường hành chính của Quận 2 mà còn là gắn liền với khu đô thị mới, đường hầm vượt sông Sài Gòn hay những trường học, khu chợ,…

Chợ Bến Thành

Chợ Bến Thành đã có từ trước khi người Pháp xâm chiếm Gia Định. Ban đầu, vị trí của chợ nằm bên bờ sông Bến Nghé, cạnh một bến sông gần thành Gia Định (bấy giờ gọi là Thành Quy, còn gọi là thành Bát Quái). Bến này dùng để cho hành khách vãng lai và quân nhân vào thành, vì vậy mới có tên gọi là Bến Thành. Từ đó khu chợ cũng có tên là chợ Bến Thành.

Chợ Lớn

Theo Trương Vĩnh Ký thì Chợ Lớn có nguồn gốc từ tiếng Khmer là Srôk Phsar Thom dịch là xứ chợ lớn.

Tham khảo: Ngữ Học Trẻ