Địa đạo Phú Thọ Hoà, nay thuộc phường Phú Thọ Hoà, quận Tân Phú, thành phố Hồ Chí Minh. Từ xưa, nơi đây là vùng đất chịu ảnh hưởng của nhiều phong trào yêu nước tự phát như: Bề Ðường (Nguyễn Văn Bường), Thiên Ðịa Hội (Phan Phát Sanh), Hội kín Nguyễn An Ninh… Sau ngày 23-9-1945, Phú Thọ Hòa trở thành một trong những căn cứ địa thời chống thực dân Pháp.
Lịch sử hình thành
Tiền thân của địa đạo, là những căn hầm bí mật được đào từ những năm 1930, để bảo vệ và che giấu cán bộ cách mạng của địa phương. Năm 1947, tiến hành đào địa đạo tại thôn Lộc Hoà vì nơi đây, có những đặc điểm như sau: Mô đất cao, cây cối rậm rạp, địa hình địa chất phức tạp, nhân dân có truyền thống cách mạng vững chắc.
Địa đạo được xây dựng theo kiểu hầm xe lửa: từ 2 điểm ở đầu, hai tổ đào thẳng về điểm trung tâm. Mỗi tổ 2 người, cứ thế thay nhau đào từ 20 giờ đến 3 giờ sáng. Đất đào lên được mang đổ xuống ruộng thấp, vun thành những vồng khoai, vồng sắn. Về sau, ta huy động nhân dân đào thêm những hầm chữ L và giao thông hào công khai trên mặt đất, để đổ lẫn đất nọ vào đất kia tránh sự chú ý của địch.
Địa đạo Phú Thọ Hòa – một hệ thống địa đạo từng phát triển mạnh tại khu vực Phú Thọ Hòa ở phía Tây Sài Gòn thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ. Ngày nay cổng vào di dích này nằm ở số 139 đường Phú Thọ Hòa, phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú, TPHCM.
Nắp miệng hầm đóng bằng gỗ theo hình thang, có kích thước: rộng 0,4m và 0,2 m; cao 0,1m. Nắp hầm có đáy để đổ đất, trồng cây lên đó nguy trang. Mỗi đoạn hầm có 3-4 lỗ thông hơi, tuỳ theo địa hình là luỹ tre hay mồ mả, mà đặt lỗ thông hơi ở đấy. Lỗ thông hơi theo kiểu loa kèn, trên to (0,2m) dưới nhỏ (0,1m), đặt gốc độ 450, ở đáy mỗi hầm, đào sâu xuống 1 đoạn ngắn đề phòng mùa mưa cho nước chảy xuống. Trong hệ thống địa đạo, có 3 hầm đào rộng ra, để có thể ngồi họp 4-5 người hoặc chứa lương thực, vũ khí. Kích thước địa đạo: rộng 0,8m; cao 0,8m; dài gần 700 mét.
Hầu hết miệng hầm thiết kế nằm trong bụi rậm hoặc lẫn lộn trong các mô đất và gò mối rất khó phát hiện. Ðịa đạo lúc nông, lúc sâu nhưng vẫn giữ khoảng cách giữa nóc hầm và mặt đất tối thiểu 2,5m, có đoạn hai tầng địa đạo chồng lên, trong đó có đoạn nghi trang như ngõ cụt. Trong địa đạo tạo hầm âm sức chứa từ 5 đến 7 người, bên trên bố trí nhiều ụ chiến đấu rải rác dọc theo địa đạo. Về sau đào thêm giao thông hào công khai, hình thành vòng cung bảo vệ khu địa đạo. Toàn bộ hệ thống địa đạo có ba hầm âm, trong đó một hầm được sử dụng làm phòng họp. Khác với địa đạo Bến Dược (Củ Chi), địa đạo Phú Thọ Hòa không có nút chặn, mìn bẩy, bếp Hoàng Cầm… chủ yếu tạo ra đường ngầm, lúc ẩn lúc hiện đánh địch.
Với chiều dài đường chim bay hơn 1km, địa đạo là nơi để cán bộ và lực lượng vũ trang bám đất, bám dân, nắm vững địa bàn hoạt động và ém quân, làm bàn đạp tiến công vào thành phố. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nơi đây từng nhiều lần là khởi điểm của những trận xuất kích gây cho địch nhiều tổn thất nặng nề. Tiêu biểu, là trận đánh kho bom Bảy Hiền vào ngày 29-3-1948, trận đánh sân bay Tân Sơn Nhất, tháng 12-1949, trận tiêu diệt đồn Phú Thọ Hoà, đồn Phạm Văn Tụng…. Đặc biệt, vào đêm 31-5 rạng sáng ngày 1-6-1954, Tiểu đoàn quyết tử 950, do Bùi Văn Ba và Phạm Văn Hai chỉ huy đã đánh vào kho bom Phú Thọ Hoà. Nơi đây, thường được các đơn vị đặc công biệt động của cách mạng, dùng làm bàn đạp tấn công vào nội thành Sài Gòn. Có thể nói, địa đạo Phú Thọ Hòa là minh chứng cho tinh thần và ý chí sắt son của người dân với cách mạng.
Địa đạo Phú Thọ Hoà ngày nay
Năm 1996, nơi đây đã được Bộ Văn hóa – Thông tin cấp bằng công nhận là “Di tích lịch sử cấp quốc gia”.
Mặc dù là một di tích lịch sử độc đáo, có ý nghĩa rất quan trọng và có giá trị giáo dục truyền thống to lớn, thế nhưng địa đạo Phú Thọ Hòa chưa được quan tâm và tôn tạo. Nếu như địa đạo Củ Chi thu hút rất đông khách trong và ngoài nước tham quan mỗi ngày thì ở địa đạo Phú Thọ Hòa lại vắng lặng.
Thỉnh thoảng chỉ có một vài cuộc họp mặt cựu chiến binh, sinh hoạt đoàn, đội hay các buổi tham quan nhằm giáo dục truyền thống cho các em học sinh của một số trường trong quận. Mới nhìn vào chỉ thấy đây là một khu đất trống chứ không hề mang tầm vóc của một di tích lịch sử. Nhà trưng bày di tích nằm khuất bên trong có diện tích khá nhỏ và hiện vật trưng bày nghèo nàn.
Để tận dụng đất trống, Trung tâm Văn hóa – Thể thao Q.Tân Phú – đơn vị quản lý di tích đã tổ chức tại đây một câu lạc bộ thể dục thể thao với các môn như bóng đá, bóng chuyền, võ thuật, bi sắt… Nếu không nhờ tấm bảng tên, chắc không ai có thể nghĩ rằng tại đây có một di tích lịch sử hết sức độc đáo, thể hiện ý chí kiên cường của quân và dân Tân Phú trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Để phát huy giá trị lịch sử của địa đạo trong hai cuộc kháng chiến trước đây và giáo dục truyền thống cho lớp trẻ hiện nay, địa đạo Phú Thọ Hòa cần được tôn tạo, đầu tư xứng đáng với giá trị lịch sử của mình. Hơn nữa, nơi đây hoàn toàn có thể được xây dựng thành một di tích lịch sử – văn hóa có giá trị, trở thành điểm du lịch thu hút khách tham quan trong nước và quốc tế.
ATM