Khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu tọa lạc tại Phường 2, TP. Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu. UBND tỉnh Bạc Liêu đã công nhận nơi đây là Di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh năm 1997 và cũng vào tháng 4-2014, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia.
Mô tả khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu
Từ trung tâm thành phố Bạc liêu qua cầu Kim Sơn (cầu Quay) đến ngã tư rồi theo con đường mang tên Cao Văn Lầu đi chừng 1km, du khách rẽ phải vào con đường nhỏ chừng 300m là đến khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu nằm tại phường 2, thành phố Bạc Liêu.
Nguyên đây là khu đất của gia đình cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu với diện tích gần 3ha. Khi ông tạ thế vào năm 1976, gia đình đã an táng ông nơi đây và đến năm 1997, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bạc Liêu đã xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh. Năm 2008, tỉnh Bạc Liêu đã đầu tư trùng tu tôn tạo khu phần mộ này thành “Di tích lịch sử văn hóa Khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu” và đưa vào hoạt động từ ngày rằm tháng Tám âm lịch năm Kỷ Sửu (29-9-2009), nhân kỷ niệm 90 năm ngày ra đời bản “Dạ cổ hoài lang” do nhạc sĩ Cao Văn Lầu sáng tác.
Trên diện tích 2.772m², khu di tích đã được xây dựng gồm 10 hạng mục với chi phí hơn 6,3 tỷ đồng. Qua khỏi cổng tam quan, khu mộ gia đình cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu nằm ở bên tay phải, gồm 4 ngôi mộ xây gạch tô đá mài, được bố trí nằm hai cặp sóng đôi: Bà Trần Thị Tấn (vợ nhạc sĩ Cao Văn Lầu) – Nhạc sĩ Cao Văn Lầu, Bà Thạch Thị Tài – Nhạc sĩ Cao Văn Giỏi (thân sinh nhạc sĩ Cao Văn Lầu).
Chếch về phía trái chừng mươi thuớc là nhà trưng bày hiện vật. Ngay tại gian giữa nhà trưng bày là trang thờ với tượng nhạc sĩ Cao Văn Lầu, hai bên tường có hai bản “Dạ cổ hoài lang” (nhịp 2 – phần lời và phần nhạc) cùng vài tác phẩm khác được minh họa bằng nét bút thư pháp trên nền vải hoa.
Phòng trưng bày còn giới thiệu nhiều tư liệu qúy gồm ảnh chụp một số tham luận về việc bảo tồn và phát huy giá trị bản “Dạ cổ hoài lang”, một số nghệ sĩ, nghệ nhân tiêu biểu của quê hương Bạc Liêu, một số phục trang sân khấu cải lương của các nghệ sĩ cải lương nổi tiếng, một số nhạc cụ cổ nhạc trong đó có cây đờn cò của giáo sư Trần Văn Khê, cây đàn guitar phím lõm của nhạc sĩ ưu tú Văn Giỏi sử dụng từ năm 1976, cây đàn guitar phím lõm của ông Hai Ngưu mà nhạc sĩ Cao Văn Lầu đã mượn khi đến Sài Gòn vào năm 1963, dàn nhạc lễ gồm cò, gáo, tranh, trống, trống cơm, tum, chập chõa… nhạc sĩ Cao Văn Lầu đã từng sử dụng, bút tích nhạc sĩ Cao Văn Lầu… đặc biệt nơi đây còn phục dựng cảnh đờn ca tài tử bằng mô hình sáp rất sinh động.
Cạnh nhà trưng bày là một sân khấu lộ thiên dành tổ chức các buổi lễ. Qua khỏi sân khấu là nhà bán hàng lưu niệm, nơi đây còn có một sân khấu nhỏ dành làm nơi biểu diễn đờn ca tài tử khi các “tài tử” về thăm khu lưu niệm này và có nhã hứng phục vụ công chúng.
Lược sử nhạc sĩ Cao Văn Lầu
Cao Văn Lầu hay Sáu Lầu là một nhạc sĩ cổ nhạc nổi tiếng. Ông sinh ngày 22-12-1892 tại xóm Cái Cui, làng Chí Mỹ, quận Vàm Cỏ, tỉnh Long An.Gia đình ông trôi dạt nhiều nơi trước khi dừng chân tại Bạc Liêu do hoàn cảnh khó khăn. Những bước đầu dưới sự hướng dẫn của nhạc sĩ cổ nhạc Hai Khị, trong ông đã bộc lộ tài năng của một người nhạc sĩ lớn. Tác phẩm “Dạ cổ hoài lang” do ông sáng tác là một đóng góp có nhiều ảnh hưởng đối với âm nhạc và nghệ thuật Việt Nam, gắn liền với sự ra đời và phát triển của dòng nghệ thuật sân khấu cải lương.
Ông mất ngày 13-8-1976 tại thành phố Hồ Chí Minh (thọ 84 tuổi).
Tại đây du khách được nghe giới thiệu sơ nét về thân thế sự nghiệp của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu, quá trình phát triển từ bản “Dạ cổ hoài lang” đến bản vọng cổ nổi tiếng của nghệ thuật sân khấu cải lương Nam bộ. Du khách cũng sẽ được nghe cô thuyết minh duyên dáng hát cho nghe một đoạn của bản “Dạ cổ hoài lang” (có nghĩa là đêm khuya nghe tiếng trống nhớ chồng) do nhạc sĩ Cao Văn Lầu sáng tác từ năm 1919, để cảm nhận nỗi niềm u uất và điều lớn hơn tác giả muốn gởi gắm qua tâm sự của người phụ nữ nhớ chồng.
Tưởng cũng nên biết, trong dịp khánh thành Di tích lịch sử văn hóa Khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu, Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch Bạc Liêu cùng gia đình cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu đã kiến nghị Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch xét công nhận bản “Dạ cổ hoài lang” là văn hóa phi vật thể.
Gu