Bí ẩn Tháp Chuông – Tháp Hòn Chông tại Bình Định được hé lộ
Tổng quan Tháp Chuông – Tháp Hòn Chông
Không kể đến những phế tích tại Bình Định, thuộc vương triều Vijaya (tk 11-15 scn), mà các nhà khoa học phát hiện gần đây, thì một ngôi tháp gạch Champa được phát hiện vào cuối thế kỷ 20, tại thôn Chánh Danh, xã Cát Tài, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, nằm trên đỉnh của ngọn núi thuộc khu vực phía Bắc của dãy Núi Bà, bởi đoàn cán bộ Bảo tàng Bình Định, trong đợt khảo sát núi Bà, năm 1993.
Với phát hiện này tháp Hòn Chuông, Di sản kiến trúc tháp Champa tại Bình Định được bổ sung thêm số lượng: là 8 cụm gồm 14 tháp. Vậy tháp Hòn Chuông được các nhà khoa học khảo tả ra sao về chất liệu, kiến trúc, điêu khắc, niên đại, phong cách, chức năng…?
Trong hầu hết các tư liệu viết của các nhà sử học, khảo cổ học… kể cả nhà chuyên khảo về Champa là Parmentier, cũng không thấy đề cập đến sự tồn tại của tháp Hòn Chuông. Những bí ẩn về tháp Hòn Chuông (Hòn Chông) mãi đến thập niên 90 của thế kỷ 20 đến nay, phần nào được hé lộ và giải trình, tuy vẫn còn những giả định trong giới nghiên cứu về phong cách, niên đại và chức năng của tháp…:
VỊ TRÍ & TÊN GỌI:
“Kiến trúc tháp Hòn Chông cao 800 mét so với mực nước biển, không có dấu hiệu về đường dẫn lên kiến trúc. Khảo sát dưới nền đất, vị trí xung quanh dưới chân của tảng đá, cán bộ Bảo tàng phát hiện rất nhiều mảnh gạch Chăm, cùng các mảnh ngói mũi lá; ngói hình sừng bò. Bước đầu xác định, đây là một kiến trúc tháp, lấy tên tảng đá đặt cho tên tháp là tháp “Hòn Chuông”. Tháp Hòn Chông được xem là ngôi tháp Champa còn tồn tại có vị trí xây dựng cao nhất Việt Nam.
KIẾN TRÚC & KẾT CẤU:
Tháp Hòn Chông có bình đồ hình vuông, giống như các tháp Champa truyền thống. Tuy nhiên, một điểm đặc biệt là từ phần chân lên cao khoảng 2m tường tháp xây thẳng, sau đó thóp dần từ dưới lên trên, phần đỉnh tháp bị cây cối mọc um tùm bao phủ, xung quanh ngôi tháp có rất nhiều gạch rơi vãi, phủ lên nền đá. Qua kích thước gạch thu nhặt được dưới chân tảng đá, gạch rộng 18cm; dày: 8cm, kết hợp với số lớp gạch xây mặt ngoài tháp có thể ước đoán kích thước của ngôi tháp: cao 7m, mỗi cạnh dài 8m50.
Tháp Hòn Chông là một kiến trúc độc đáo về hình dáng. Nếu như các tháp Champa khác được xây với tường thẳng và hệ thống cột ốp, vòm cửa với nhiều họa tiết trang trí, có mái giật cấp thu dần lên trên thì tháp Hòn Chông có tường tháp xây thóp dần lên trên mái, bộ mái tháp được lợp ngói, tháp hoàn toàn không có hoa văn trang trí. Lý giải cho vấn đề hình dáng của ngôi tháp Hòn Chông , có thể do ngôi tháp được xây trên tảng đá nguyên khối, nên không thể xử lý móng như những ngôi tháp Champa khác. Chính vì vậy, người Champa đã sử dụng phương pháp xây tường thóp dần lên, phần mái thì lợp ngói, nhằm làm cho phần chân tháp không phải chịu lực quá nặng từ những khối gạch phía trên của phần thân tháp, giúp cho ngôi tháp được vững chắc.
Giống với những ngôi tháp Champa khác, ngôi tháp Hòn Chông cũng được xây với tường tháp cao và dày, không gian bên trong nhỏ, một cửa ra vào ở phía Đông, tượng trưng như một hang động, là nơi trú ngụ của thần linh, theo truyền thuyết Ấn Độ giáo. Đặc biệt, nhìn từ xa, tảng đá Hòn Chông đỉnh tròn dáng thẳng đứng, giống như một chiếc linga khổng lồ nhô lên dãy núi (hay còn gọi là Lingaparvati).
CHỨC NĂNG:
Tháp Hòn Chông mang một chức năng tôn giáo đặc biệt đối với khu vực Vịaya (?) Tuy nhiên, vì không tiếp cận được ngôi tháp để xác định lòng tháp vẫn còn có đồ thờ hay không, do đó chưa thể nhận định cụ thể chức năng tôn giáo của ngôi tháp.
Ngoài ra, còn vấn đề cần được lý giải thêm là với tầm nhìn bao quát như vậy liệu tháp Hòn Chông có mang chức năng về quân sự ?
- Theo ý kiến của chúng tôi, tháp Hòn Chông không mang chức năng về quân sự, bởi vì với độ cao được xây dựng là 800m so với mặt nước biển, rất khó để thấy rõ được ngôi tháp. Ngoài ra, với vị trí xây dựng rất cao, thường xuyên bị mây che phủ !xung quanh, cho nên không phải lúc nào cũng có thể thấy được tảng đá hoặc ngôi tháp. Nếu như có những biến động nào từ xa, thì không thể thấy các dấu hiệu cảnh báo từ tháp Hòn Chông . Chính vì vậy, theo chúng tôi tháp Hòn Chông mang chức năng duy nhất là tôn giáo, được xây dựng tại một vị trí linh thiêng trong tín ngưỡng của người Champa” ( nguồn: “Những tư liệu mới về tháp Hòn Chuông”, tg Hoàng Như Khoa, 02/4/2021 ).
PHONG CÁCH & NIÊN ĐẠI:
Theo Ts Lê Đình Phụng & Phạm Văn Triệu, trong tác phẩm “Kiến trúc Champa trong lịch sử” ( nxb KHXH, 2021 ), thì “ Qua phân tích vật liệu xây dựng, khối hộp đế tháp, khối xây dựng thần tháp với tứ giác chóp nhọn đặc trưng, cửa ra vào lòng kiến trúc có hình mũi lao nhọn: những đặc trưng trong các kiến trúc tháp giai đoạn Vijaya Muộn, cho nên bước đầu có thể cho thấy tháp HC được xây dựng vào thế kỷ 14 scn.”
(nguồn: baotangbinhdinh)
( Ảnh: fb & Internet )