Chùa cổ – Chùa Xiêm Cán đẹp nhất Bạc Liêu

Chùa Xiêm Cán là một trong những ngôi chùa Khmer được liệt vào hàng lớn nhất, đẹp nhất và lộng lẫy nhất trong hệ thống chùa Khmer ở Nam Bộ. Vì vậy luôn tạo được ấn tượng khó quên trong lòng du khách mỗi khi đến tham quan, chiêm bái.

Chùa Xiêm Cán

Nằm cách thị xã Bạc Liêu 7km, trên đường ra đi ra cánh đồng điện gió Bạc Liêu bạn sẽ gặp ngôi chùa cổ bên tay trái đó là chùa Xiêm Cán

Đây là ngôi chùa của người Khmer lớn nhất và đẹp nhất trong vùng với kiến trúc đậm chất Khmer, và giống với các chùa Khmer ở Trà Vinh hoặc Sóc Trăng. Chùa được xây dựng hồi thế kỷ 19 được chạm trổ và trang trí theo phong cách dân tộc độc đáo.

Chùa Xiêm Cán mang kiến trúc Angkor của người Campuchia, thể hiện ở những họa tiết độc đáo nơi mái vòm, tường, các hàng cột và cầu thang. Trên mái vòm và cầu thang chùa đều chạm trổ họa tiết có hình rắn 5 đầu vì họ quan niệm rằng tấm lòng từ bi hỷ xả của Đức Phật đã thuần hóa được loài vật nguy hiểm này. Ngoài ra còn có các phù điêu là hình tiên nữ và những quái vật khác, theo triết lý của người Khmer, đó là những thử thách đối với Phật tử trên bước đường tu thành chánh quả.
Mái chùa Xiêm Cán được cấu trúc thành nhiều tầng lớp chồng lên nhau với đỉnh nhọn như một chóp tháp.

Bao quanh chùa là một hàng rào xây kiên cố, với nhiều hoa văn ấn tượng. Trong khuôn viên chùa có rất nhiều cây xanh cao to che bóng được trồng ngay hàng thẳng lối. Cổng chùa Xiêm Cán được đắp nổi và chạm khắc nhiều hoa văn tỉ mỉ, nổi bật, đậm sắc thái Khmer.

Từ ngoài cổng chính vào bên trong chùa, du khách sẽ tận hường được không gian mát mẻ khi đi ngang qua hàng cây sao được trồng ngay hàng thẳng lối của hai bên lối vào, ngay trước cổng là bức tượng phật nằm trong một gian nhỏ màu vàng rực, bên tay phải là Tòa Chánh điện, được xây dựng từ năm 1887 đã nhuốm màu theo thời gian nhưng kiến trúc vẫn vững vàng trong khuôn viên chùa, như là biểu tượng của sự chắc chắn, trường tồn. Bước qua cổng này bạn sẽ chính thức đặt chân vào khuôn viên của chùa, với những công trình kiến trúc ấn tượng gồm: chánh điện, sala, nhà ở của các sư sãi, tháp đựng hài cốt, am, lò thêu…

Tòa chánh điện nằm trên một nền đất cao khoảng 2m, có hành lang bao quanh. Trong khuôn viên khu chánh điện có nhiều cây xanh tỏa bóng mát rượi. Bên trong chánh điện trang trí những hoa văn độc đáo. Ở giữa chánh điện thờ Phật Thích Ca. Một điều đặc biệt nữa là xung quanh 4 bức tường của chánh điện bày trí rất nhiều hình vẽ giải thích quá trình tu hành khổ luyện của Đức Phật từ lúc sinh ra, đến lúc làm Thái tử cho đến khi vào cõi Niết bàn.

Đối diện chánh điện là cột trụ biểu, là hình tượng của con rắn 5 đầu, dùng để thắp nến vào những ngày lễ ngụ ý rằng giáo lý Phật pháp sẽ soi sáng cho nhân loại, giúp mọi người sống hướng thiện như chính loài rắn đã thiện. Dù cuộc sống còn không ít những lo toan nhưng dân tộc Khmer rất mộ đạo.

Hai bên chánh điện là nhiều tháp cốt và một nhà hỏa thêu nằm dưới những tán cây mát rượi. Những tháp cốt này được sơn phết và trang trí hoa văn rất đẹp, nhưng cũng có nét cổ kính trầm mặc với màu củ kỹ, rêu phong tạo nên sự sinh động về màu sắc và không khí trầm mặc của những tháp mộ trong chùa.

Chùa Xiêm Cán có Sala là giảng đường, nhà hội xây mới vào năm 1997 bằng tiền của các phật tử quyên góp. Trên mái sala có khắc tượng hình Xanac dắt con bạch mã đưa thái tử Sidatta qua sông tìm đường giác ngộ. Bên trong sala có bàn thờ phật và bàn ghế để tín đồ bàn bạc, nghỉ ngơi trước khi lên chánh điện. Vách và trần Sala được trang trí họa tiết, bích họa công phu.

Đối diện Sala là tháp xá lợi và tháp phật tổ với bức tượng phật đen nhánh. Bốn góc tháp xá lợi có hình những chú voi trắng.
Đối với chùa Khmer, chánh điện thường quay về hướng Đông vì họ cho rằng con đường tu hành của Phật đi từ Tây sang Đông. Thông thường, ở đâu có chùa thì đồng bào Khmer tập trung ở xung quanh để học chữ, học giáo lý và học nghề. Vì vậy nên họ ví ngôi chùa là “trung tâm văn hóa của người Khmer”. Chính vì sự gắn bó mật thiết như thế nên họ rất tự hào về văn hóa của dân tộc mình.

Ngôi chùa Xiêm Cán này do chính tay các nghệ nhân địa phương xây dựng bằng những phương tiện hết sức thô sơ. Bên trong chánh điện của chùa đã phản ánh tính thẩm mỹ rất cao của người Khmer với những hoa văn độc đáo. Ở vị trí trung tâm trên nóc sala trang trí hình ảnh đền Angkor Wat, nơi khởi nguồn của phong cách kiến trúc Khmer. Người Khmer tu theo thuyết của Phật

Thích Ca nhưng theo hướng của Phật giáo Tiểu Thừa nên trong Chánh điện thờ Phật Thích Ca là chính.
Không chỉ gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc, họ còn cố gắng xây dựng cho những ngôi chùa ngày càng to lớn và đẹp đẽ hơn. Không chỉ choáng ngợp bởi vẻ bề thế và lộng lẫy của chùa Xiêm Cán, người Khmer ở đây còn rất mến khách. Họ thật thà, chân chất, hiền lành và luôn cần cù, sáng tạo.

Qua bao đời người, họ đã lao động, vun đắp tạo cảm giác thư thái cho những người ghé thăm chùa. Vào những dịp lễ hội lớn như lễ Ok Om bok, lễ Chol Chnam Thmay, lễ Đôn Ta, không khí chùa thật rộn ràng. Ngày nay, người ta cảm nhận một sắc thái văn hóa đang phồn thịnh và rất đặc trưng của người Khmer đang từng ngày được gìn giữ, phát huy nhằm làm đẹp hơn, phong phú và đa dạng hơn cho văn hóa Việt Nam.

Tina