Hành hương Phật Bà Nam Hải tỉnh Bạc Liêu

Phật Bà Nam Hải còn được gọi là Mẹ Nam Hải hoặc Quan Âm Phật Đài, tọa lạc trên diện tích khoảng 6 ha, ở cửa biển Nhà Mát, phường Nhà Mát, cách TP Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu) khoảng 10 km. Đây là công trình kiến trúc – văn hóa – tâm linh nổi bật nhất của Bạc Liêu, hằng năm thu hút hàng ngàn lượt khách đến hành hương và tham quan

Lịch sử hình thành Phật Bà Nam Hải

Tượng Phật Bà Nam Hải
Tượng Phật Bà Nam Hải

Theo kể lại, vào năm 1973, có một người phát tâm bồ đề xây dựng tượng Phật Bà. Tượng cao 11m, đứng sừng sững, trang nghiêm, hướng mắt ra biển Đông, tay cầm chiếc hồ lô rưới nước cam lộ như chúc phước cho các ngư dân ra khơi được trời yên biển lặng. Tượng Phật Bà trở thành trung tâm giữa đất liền và biển lớn, bát ngát cây xanh nước mặn bao lấy bờ biển tạo nền cho bức tượng trắng đứng sừng sững trên đài sen hồng. Khi đó, tượng Phật Bà tọa lạc giữa hoang vu rừng mắm, thủy triều lên xuống, nước bao vây bốn bề. Càng ngày, mảnh đất nơi đặt tượng Phật Bà ngày một bồi.

Năm 2004, nhờ vào công quả trên 5 tỉ đồng của phật tử từ khắp nơi, khu Phật Bà Nam Hải được xây dựng lại, mở rộng 25.000m2 (trong diện tích khoảng 6ha) . Tượng Phật Bà với nét mềm mại của tà áo vờn bay, khuôn mặt thánh thiện, hiền hòa lúc nào cũng được các tín đồ chiêm bái, nay càng thêm tôn nghiêm khi được đặt trên một đài sen cao khỏi đầu người với nhiều bậc cấp để tín đồ lên dâng cúng hương hoa.

Khuôn viên Điện Quán Âm
Khuôn viên Điện Quán Âm

Bên trái tượng Phật Bà (nhìn từ trong ra cổng) là Điện Quán Âm – dãy nhà rộng lớn, xây dựng theo kiến trúc chùa chiền cổ Việt Nam. Gian giữa là nơi thờ các vị Phật, được trải thảm để khách hành hương tiện bái lạy, cầu an. Hai bên là hai gian nhà, một để khách hành hương nghỉ ngơi, và một nhà ăn phục vụ các món chay theo nhu cầu thực khách. Trước Điện Quán Âm là các bức tượng khổng lồ của Tiêu Diện Đại Sĩ… Bên phải tượng Phật Bà (nhìn từ trong ra cổng) là Điện Địa Tạng

Đặc biệt, phía trước tượng Phật Bà, nơi hướng ra biển, còn xây dựng núi Quán Âm, do Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bạc Liêu tiến hành khởi công một phần vào tháng 5-2013. Núi Quán Âm là công trình kiến trúc đậm nét nghệ thuật văn hóa Phật giáo, tạo dấu ấn đặc sắc của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Theo thiết kế, núi Quán Âm cao 45m, rộng 90m, ngang 45m, với kinh phí khoảng 100 tỉ đồng.

Lưng chừng núi sẽ xây dựng một lầu chuông và một lầu trống. Trên các triền núi và một vài đỉnh núi tôn trí một số tượng Bồ tát Quan Thế Âm. Phía trước núi là biển khơi xa xa trong xanh biếc rừng mắm. Có thể nói, núi Quán Âm là điểm nhấn đầy hấp lực, sau tượng đài Phật Bà Nam Hải, thu hút khách hành hương, du lịch tham quan, vãn cảnh.

Lễ hội vía Phât Bà Quan Âm

Tháng Giêng âm lịch hằng năm, khu Phật Bà Nam Hải đều diễn ra lễ hội Vía Phật Bà, trong 3 ngày, bắt đầu từ ngày mồng 8. Đây là một lễ hội lớn, rất trang trọng, với nhiều nghi lễ truyền thống, như: lễ cầu quốc thái dân an, phật tử dâng hương cầu an, tế anh hùng tử sĩ, thỉnh thánh, thuyết pháp… Đêm đêm đều có các chương trình văn nghệ và hát bội phục vụ.

Du khách đến đây sẽ cảm nhận được sự bình yên lan tỏa từ khuôn mặt dịu hiền, phúc hậu của Phật Bà. Theo tín ngưỡng của những người đi biển, Phật Bà đã phù hộ và chở che cho họ rất nhiều và những gì họ có được là cũng nhờ một phần vào việc họ tin và thành kính đối với thế giới tâm linh.

Trong dòng người đến với Quán Âm Phật Đài, có thể thấy rất đông du khách, phật tử là nữ giới. Ngẫu nhiên hay có mối tương quan nào gắn với câu hỏi: Tại sao tượng Quán Thế Âm Bồ tát lại mang vóc dáng nữ nhân?

Truyền rằng: Quan Thế Âm tức là quan sát tiếng kêu than của chúng sinh trong thế gian để độ cho chúng sinh thoát khổ. Bồ tát Quan Thế Âm là hiện thân của từ bi. Quán Thế Âm không phải là nữ tướng, Ngài thị hiện làm Bồ tát vì muốn cứu khổ, ban vui cho chúng sinh. Trong nhân gian, phụ nữ lại thường khổ hơn nam giới, nên nữ giới đặc biệt tín ngưỡng về Ngài. Và chúng sinh mới tưởng tượng ra Bồ tát Quán Thế Âm là nữ tướng để tiện hóa độ cho phụ nữ. Còn bởi tình mẹ thương con là tình thương chân thành, tha thiết nhất, không có tình thương nào sánh bằng. Cho nên, Quán Thế Âm Bồ tát hiện thân là một người mẹ hiền.
Điều thú vị là ban quản lý khu du lịch đã làm một chương trình phát thanh về quá trình phát triển và những sự tích của khu Phật Bà Quan Âm để du khách có thể nghe khi ngồi nghỉ mát. Và một nhà ăn với các món chay phục vụ thực khách.

Khu du lịch tiện nghi với nhiều dịch vụ

Không gian của khu du lịch rất thoáng. Những luồng gió biển thổi vào luôn làm dịu mát sự mệt mỏi cho du khách đường xa. Cảnh biển ngút ngàn càng tôn thêm sự thiêng liêng cho bức tượng. Gần đó là những cửa sông với dãy cây xanh ven bờ hút hồn du khách.

Ra về, khách còn lưu lại trong tâm khảm hình dáng chiếc cổng tam quan với kiến trúc độc đáo, đậm nét văn hóa Phật giáo Việt Nam. Bên ngoài cổng, hai bên và đối diện cổng tam quan là những dãy nhà trọ, nhà giữ xe cùng các hàng quán phục vụ ăn uống cũng như bày bán những mặt hàng hải sản đặc trưng biển Bạc Liêu.

Các dịch vụ ăn uống, quà lưu niệm luôn phục vụ suốt ngày đêm. Du khách có thể nghỉ ngơi hoặc có thể mang về những bức tranh, những cái nón trầm do tự tay người dân Bạc Liêu làm, cho người thân, bạn bè để làm kỷ niệm. Và thú vị là thưởng thức những món đặc sản Bạc Liêu trong hàng quán của người dân quanh khu du lịch.