Làng gốm cổ nhất Đông Nam Á là Làng gốm Bàu Trúc, tuyên truyền ông tổ nghề Gốm nơi đây là ông Pklong Chanh. Nghề được truyền cho các phụ nữ trong làng (người Chăm đạo Balamon theo chế độ mẫu hệ) để làm các vật dụng phục vụ cuộc sống sinh hoạt hằng ngày: chum, vại, lò than, tộ kho cá…
Hiện tại trong cả nước có 4 làng nghề gốm nổi tiếng: Chu Đậu – Hải Dương, Bát Tràng – Hà Nội, Minh Long – Bình Dương, Bàu Trúc – Ninh Thuận.
Quy trình làm gốm Bàu Trúc:
thành phần chính của gồm Bàu Trúc là đất sét và cát mịn. Ban đầu người ta lấy đất sét từ ruộng lúa bên bờ sông Quao (con sông cách làng không xa theo hướng tỉnh lộ 703 về phía QL1A), từ mặt đất ruộng người dân đào sâu khoảng 3lớp đất thịt trồng trọt ở trên và thu được loại đất sét bên dưới để làm gốm (Theo tâm linh của người dân: bao đời làm gốm đất mẹ vẫn yêu thương và che chở, mặc dù đã khai thác rất nhiều đất nhưng đất mẹ vẫn đẻ ra, bồi đắp đong đầy nuôi sống bao thế hệ). Sau đó, đất sét này được nhào nhuyễn cùng với nước tạo độ dẻo và kết dính cao. Đất sau khi đã được nhào kỹ, người làm gốm kết hợp với cát mịn để hoàn tất nguyên liệu làm nên gốm Bàu Trúc. Tùy theo kích thước và công dụng của sản phẩm mà nghệ nhân trộn tỷ lệ cát và đất sét thích hợp.
Điểm đặc biệt cách làm Gốm Bàu Trúc:
Không như những làng nghề làm gốm khác người nghệ nhân đứng cạnh một bàn xoay và dùng đôi tay tinh tế tạo thành hình dáng sản phẩm. Tại đây ngược lại, nghệ nhân làm Gốm Bàu Trúc lại xoay quanh một bàn làm Gốm đặt cố định. Mọi người hay nói vui với nhau đây là phương pháp làm Gốm “TAY QUAY, MÔNG XOAY”.
Các hoa văn trên Gốm Bàu Trúc cũng được sáng tạo hết sức độc đáo và gần gũi – nghệ nhân dùng các vòng tre tròn, vỏ sò, hay các vật dụng sinh hoạt trong nhà…tạo hoa văn trên các sản phẩm.
Sau khi sản phẩm hoàn tất nghệ nhân đem các sản phẩm xếp gọn gàng nơi bóng mát và thoáng gió (phơi gió) để đảm bảo sản phẩm có độ bền như mong muốn. Khi sản phẩm đã khô nước có thể nhìn thấy màu gốm, mới đem những sản phẩm này ra phơi trực tiếp dưới ánh nắng để khô hẳn trước khi nung.
Nói đến nung gốm, khi đến tham quan các cơ sở làm gốm tại Bàu Trúc (cũng là nhà ở & làm việc của người dân nơi đây) khách tham hoàn toàn không nhìn thấy các lò nung gốm. Cách nung ở đây người dân gọi là “Nung Lộ Thiên”. Ban đầu, ngoài sân rộng người dân chất 1 lớp củi bên dưới, sau đó chất 1lớp sản phẩm lên rồi lần lượt như thể: 1 lớp sản phẩm – 1 lớp củi. Cuối cùng, phủ toàn bộ lên 1 lớp rơm khô bao phủ toàn bộ và đốt. Lửa sẽ nung chín sản phẩm gốm – dưới con mắt của người làm gốm sẽ phân biệt được sản phẩm gốm đã chín hay chưa?
Khi các sản phẩm gốm đã chín, để tạo độ bóng trên mỗi sản phẩm Gốm Bàu Trúc. Nghệ nhân dùng vỏ “Hạt Điều” bỏ vào nước ẩm cho ra tinh chất trong vỏ hạt. Sau đó dùng bình xịt, phun hỗn hợp này lên sản phẩm khi chưa nguội hẳn. Sản phẩm khi hoàn thiện sẽ có màu đỏ của đất, màu đen đen của khói và ánh lên độ bóng tự nhiên và đẹp mắt.
Tất cả công đoạn làm nên Gốm Bàu Trúc hoàn toàn bằng thủ công do đó mỗi sản phẩm đều mang dấu ấn riêng và không sản phẩm nào giống tuyệt đối sản phẩm nào. Mỗi sản phẩm là sức lao động, là niềm đam mê, là tình yêu với đất. Sản phẩm gốm Bàu Trúc không chỉ mang gía trị vật chất mà còn mang giá trị nhân văn bảo tồn 1 nét văn hóa đặc sắc Chăm lâu đời. Mà chúng tôi chỉ gọi ngắn gọn là những con người “THỔI HỒN CHO ĐẤT”.
Ngày nay, dưới sự phát triển du lịch làng nghề truyền thống thì ngoài các sản phẩm cơ bản sử dụng sinh hoạt hằng ngày. Khi đến Gốm Bàu Trúc du khách còn được mua các sản phẩm lưu niệm đa dạng: 12 con giáp, ấm trà, lọ hoa, hòn non bộ…Một lần đặt chân đến Ninh Thuận quý khách nhớ ghé thăm Gốm Bàu Trúc: trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt của đồng bào Chăm, tìm hiểu cách làm Gốm Bàu Trúc & mua 01 sản phẩm lưu niệm 01 trong 04 làng nghề làm gốm nổi tiếng trong cả nước.
MXH