Cập nhật 2021: Thoại Ngọc Hầu – Vị công thần định xứ sở Tây Nam tổ quốc
Xuyên suốt quá trình mở mang và gây dựng bờ cõi của dân tộc ta, có thể thấy rằng để có được một vùng đất Nam Bộ trù phú, phát triển như ngày hôm nay, đó chính là công sức và máu xương của vô vàn thế hệ cha ông đi trước, từ khi khai hoang mở cõi đến thời kỳ phát triển hiện đại như ngày nay. Trong đó, vai trò của các bậc công thần định xứ sở là vô cùng quan trọng, có thể kể đến như công khai phá của Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh, tài trị dân của Tả quân Lê Văn Duyệt, hay thời kỳ hiện đại với những công trình an sinh xã hội của cố thủ tướng Võ Văn Kiệt. Và vùng đất An Giang mà ngày hôm nay chúng ta đặt chân đến cũng ghi dấu những công lao to lớn của một vị công thần triều Nguyễn trong việc khai phá, dẫn thủy nhập điền tại xứ An Giang, đó chính là Thoại Ngọc Hầu.
Có lẽ đi khắp vùng đất An Giang, bất kỳ người con An Giang nào cũng đều biết đến công lao của vị quan Thoại Ngọc Hầu đối với quê hương mình, Đó là những công trình vĩ đại vẫn tồn tại cho đến ngày hôm nay như kênh Thoại Hà, kênh Vĩnh Tế hay đường vòng Núi Sam, …Nhân vật Thoại Ngọc Hầu đã đi sâu vào trong tâm thức của người dân xứ An Giang từ bao đời nay.
Thoại Ngọc Hầu tên thật là Nguyễn Văn Thoại, sinh năm 1761, mất năm 1829, được xem như là một danh tướng khai quốc công thần của triều Nguyễn. Xuất thân từ vùng đất Quảng Nam đầy nắng và gió thuộc huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn xưa, mà ngày nay là quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng.
Ông sinh ra và lớn lên trong thời kỳ nội chiến liên miên giữa 2 thế lực Trịnh – Nguyễn, bên cạnh đó là cuộc nổi dậy của phong trào Tây Sơn (1771), vì vậy năm 1775, cậu bé Nguyễn Văn Thoại theo chân mẹ hiền và 2 người em phiêu bạt đến vùng đất Cù Lao Dài thuộc tỉnh Vĩnh Long để mưu sinh. Cũng trên vùng đất Cù Lao Dài này, ông đã nên duyên với người con gái tên Châu Thị Tế – người mà sau này đã đóng góp rất nhiều công sức trong sự nghiệp của ông.
Vào năm 17 tuổi, ông đã có cơ duyên gặp được chúa Nguyễn Ánh và chính cái duyên đó mà ông đã theo phò tá đấng minh vương suốt 25 năm. Dẫu tha phương nhưng Nguyễn Văn Thoại vẫn giữ được tính khí của 1 con người Quảng Nam, cương trực, thẳng thắn, kiến quyết và bản lĩnh. Thoại Ngọc Hậu có mặt trong nhiều trận đánh và lập nhiều chiến công cũng như theo phò chúa những lần lánh nạn ở vùng Nam Bộ.
Được chúa Nguyễn tin dùng cử đi xứ Xiêm, sang Lào tìm kiếm sự giúp đỡ của 2 nước này. Bên cạnh là một người chính trực, Thoại Ngọc Hầu còn là một người trọng ân tình và nhân nghĩa, chuyện kể rằng thuở nhỏ tại vùng đất Quảng Nam, Nguyễn Văn Thoại và Trần Quang Diệu là 2 người bạn tri kỷ, gắn bó keo sơn. Sau này vì thời cuộc mà xa cách. Chính tính khí kiên cường bất khuất nên cả 2 sớm đã trở thành mãnh tướng của Nguyễn Ánh và Nguyễn Huệ. Trớ trêu thay, trong một lần thừa lệnh chúa Nguyễn tiến đánh Phú Xuân, người bạn đồng hương tri kỷ của ông bên kia chiến tuyến là Trần Quang Diệu dẫn quân từ Quy Nhơn ra ứng cứu.
Trước ân tình người bạn tâm giao xứ Quảng, không muốn đối đầu với bạn mình, Nguyễn Văn Thoại trao binh quyền cho Lưu Phước Tường rồi tự về thành Gia Định chấp nhận chịu phạt của chúa. Sau khi Trần Quang Diệu bị xử tử, Nguyễn Văn Thoại đã giúp gia quyến của bạn mình đổi sang họ Nguyễn để tránh bị liên lụy và cấp cho 3 mẫu ruộng làm nơi thờ tự bạn mình.
Dưới sự trị vì của vua quan nhà Nguyễn, Thoại Ngọc Hầu đã lập nhiều công trạng to lớn cho nhà Nguyễn, Thoại Ngọc Hầu như trấn thủ thành Lạng Sơn, dẹp loạn quân nổi dậy và bảo hộ xứ Chân Lạp và đặc biệt là việc khai hoang, lập ấp vùng biên giới Tây Nam. Năm 1817, ông trấn thủ đất Vĩnh Thanh của phủ Gia Định – một khu vực rộng lớn từ biên giới Việt Nam – Campuchia tới khu vực Biển Tây.
Tại đây, bằng tầm nhìn chiến lược của mình, ông đã chỉ đạo những chính sách khẩn hoang, đào kênh, lấp đường, phát triển và bảo vệ biên giới phía Tây Nam. Công lao của Thoại Ngọc Hầu được ghi nhận ở những công trình lớn mà ông để lại cho đời sau, đó là những công trình nằm trên địa bàn tỉnh An Giang mà cho đến ngày nay vẫn còn nguyên giá trị. Đầu tiên phải kể đến là kênh Thoại Hà nối rạch Long Xuyên đến Rạch Giá. Lúc bây giờ đa số hàng hóa lưu thông qua đường sông, muốn vận chuyển từ Long Xuyên đi Rạch Giá phải đi theo dòng sông Hậu vòng ra biển rồi men theo đường biển đến Rạch Giá. Đồng thời khu vực này thường xuyên nhiễm phèn.
Nhận thấy những khó khăn của người dân, năm 1817, Nguyễn Văn Thoại đã kiến nghị lên vua Gia Long việc đào kênh Đông Xuyên nối vàm rạch Đông Xuyên (tức Long Xuyên ngày nay) với ngọn Giá Khê (Rạch Giá) và được triều đình chấp thuận. Tháng 4/1818 việc đào kênh hoàn thành với chiều dài hơn 30km. Vua Gia Long đã cho lấy tên ông để đặt cho tên núi (Thoại Sơn) và tên kênh (Thoại Hà) để ghi nhớ công lao của ông. Công trình đã rút ngắn đáng kể khoảng cách giao thương giữa 2 vùng Long Xuyên và Rạch Giá, bên cạnh đó còn giúp nhiệm vụ rửa phèn, rửa mặn để người dân canh tác.
Tiếp theo đó, thừa lệnh vua Gia Long, với kinh nghiệm đào kênh của mình, Thoại Ngọc Hậu thay thế Lưu Phước Tường đảm nhiệm trọng trách đào con kênh Vĩnh Tế, một đại công trình lúc bấy giờ mang nhiều ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong sản xuất, thông thương giữa Hà Tiên và Châu Đốc, bên cạnh đó còn mang yếu tố quốc phòng đối với vùng biên giới Tây Nam còn nhiều bất ổn lúc bấy giờ. Đây là công trình tưởng chừng như không thể thi công bởi sự khó khăn nhân lực, nguy hiểm từ cọp beo, rắn sấu, thiếu thốn kỹ thuật thời đó.
Tuy nhiên với những gậy gộc cuốc xẻng thô sơ, bằng ý chí lãnh đạo kiên quyết của con người Quảng Nam, cùng sự hỗ trợ, đồng lòng của người dân, sự góp sức đắc lực của người vợ Châu Thị Tế, ông quyết tâm đào cho bằng được con kênh này. Hằng này ông đều xuống trực tiếp chỉ huy việc đào kênh, còn người vợ Châu Thị tế thì lo công việc hậu cần cơm nước nước cho nhân dân. Công trình dài 90km với 80.000 nhân công miệt mài lao động suốt 5 năm trời cuối cùng cũng thành công. Từ công trình này đã đánh dấu bước ngoặt lớn cho sự phát triển của vùng đất An Giang nói riêng và Tây Nam Bộ nói chung, góp phần ổn định dân cư, cấp thoát lũ và bảo vệ biên giới Tây Nam. Sau khi đào kênh, ông cho di dân lập ấp, thành các thôn xóm ven kênh rạch để thúc đẩy phát triển kinh tế.
Hai năm sau vào năm 1826, để thuận tiện cho việc di chuyển quanh vùng Châu Đốc, ông chỉ thị đắp đường lộ Châu Đốc – Núi Sam dài 5km ven ngon núi Sam mà đến ngày nay vẫn còn.
Ngoài ra ông còn lập 5 làng dọc kênh Vĩnh Tế để phát triển cộng đồng dân cư, đào kênh Vĩnh An dài 17km nối Châu Đốc – Tân Châu, vua Chân Lạp ghi nhớ công ơn bảo hộ của ông nên vào năm 1924 đã dâng 2 vùng đất Chân Sum và Ma Luật này là mảnh đất dọc Hà Tiên và Giang Thành.
Trong suốt thời gian trấn thủ vùng đất Tây Nam, với tính cách cương trực, thẳng thắn, kiên định của dòng máu Quảng Nam, ông đã biến vùng đất dọc phía Nam từ nơi đồi hoang cỏ dại trở thành vùng đất trù phú, dân cư sinh sống tấp nập. Dưới thời của ông, trộm cướp không hó hé, ông chỉ đâu làm đó, cương quyết, chính trực, thưởng phạt nghiêm minh. Người dân khắp vùng biết ơn một vị quan tài tướng tốt, công ơn khắc trên bia Vĩnh Tế Sơn vẫn còn cho đến ngày nay.
Công trạng to lớn là vậy, tuy nhiên sau khi Thoại Ngọc Hầu mất vào năm 1829, ông lại chịu một bản án oan ức. Chuyện kể rằng một tên triều thần là Võ Du tố cáo với vua Minh Mạng là Thoại Ngọc Hầu nhũng nhiễu dân, Lúc bấy giờ vua Minh Mạng xử phạt giáng chức ông từ hàng nhị phẩm xuống ngũ phẩm, tịch thu gấm vóc, ruộng đất của ông và các người con, người con trưởng Nguyễn Văn Tâm phải bỏ đi biệt tích, người con thứ Nguyễn Văn Minh phải sống cơ cực như bao dân thường. Tuy sau này vua Minh Mạng có điều tra lại và hiểu ra sự tình những vẫn không trả lại tức vị và tài sản cho ông.
Điều này gây nên sự phẫn uất trong lòng các người con của ông trong đó có người con nuôi là Nguyễn Thị Nghĩa và con rể Võ Vĩnh Lộc, và đây cũng là một trong những nguyên nhân những người con của ông tham gia vào cuộc binh biến Lê Văn Khôi chống lại triều đình vào năm 1833-1835. Án oan ông kéo dài suốt 10 đời vua, mãi đến gần 100 năm sau dưới thời vua Khải Định vào năm 1924 đã phục chức và trả lại tước vị cho Thoại Ngọc Hầu. Nhưng dẫu triều đình làm nên sự oan khuất là thế, công lao của ông sử sách mãi lưu truyền, sự kính trọng trong lòng người dân Nam Bộ đối với ông thì không bao giờ phai. Người dân vùng đất An Giang vẫn luôn tôn thờ ông như một thành hoàng có công khai khẩn vùng đất này. Lăng của ông được dựng dưới chân núi Sam, hằng năm vào lễ giỗ của ông 6/6 AL hàng ngàn người dân khắp vùng Nam Bộ đến thăm lăng mộ của ông cùng 2 người vợ.
Trong tâm trí của họ, Thoại Ngọc Hầu cùng với vợ của ông là Châu Thị Tế là những vị đã có công lao to lớn đối với vùng đất An Giang. Ngọn núi Sập cùng với con kênh dọc Long Xuyên đến Rạch Giá được đặt tên là Thoại Sơn và Thoại Hà, cung đường vòng quanh núi Sam cũng mang tên Thoại Ngọc Hầu, Ngôi trường chuyên lớn nhất An Giang vinh hạnh được mạng tên của ông. Dòng kênh 90km từ Châu Đốc đến Hà Tiên mang tên vợ ông là Vĩnh Tế, ngọn núi Sam cũng có tên gọi khác là Vĩnh Tế Sơn. Hằng năm vào dịp lễ vía Bà Chúa Xứ, 4 bài vị tại Lăng Thoại Ngọc Hầu được thỉnh sắc như một sự tôn vinh cho công lao mở mang bờ cõi của vợ chồng Thoại Ngọc Hầu. Nhân dân An Giang đến ngày hôm nay vẫn còn khắc ghi bài thơ nói về ông.
Hùng vĩ Lăng ông Thoại Ngọc Hầu
Ngàn xưa coi lại nét thanh cao
Phò vua, trải mật bao gian khổ
Công nghiệp còn ghi dấu cựu trào…
st